Những câu trả lời phỏng vấn thông minh và hay nhất

Những câu trả lời phỏng vấn thông minh là điểm nhấn giúp cho cuộc phỏng vấn thành công và gây ấn tượng đặc biệt với nhà tuyển dụng. Với cách trả lời bình thường bạn chỉ có thể đáp ứng tiêu chí cơ bản mà họ đưa ra. Nhưng nếu một câu trả lời thông minh sẽ giúp bạn ghi điểm tuyệt đối. Vì vậy, hãy tham khảo những cách dưới đây nhé!

Những câu mà nhà tuyển dụng hay hỏi

Mỗi nơi phỏng vấn có những cách phỏng vấn khác nhau về hình thức và cả câu hỏi phỏng vấn. Nhưng chung quy các câu nhà tuyển dụng hay hỏi mà bạn nên chú ý như: Bạn biết gì về công việc? Ở công ty cũ bạn làm những gì? Bạn có kinh nghiệm gì ở vị trí hiện tại? Bạn có định hướng công việc như thế nào?…

Có rất nhiều câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể hỏi để tiếp diễn cho câu chuyện trình bày. Và mỗi câu bạn phải xác định đâu là câu hỏi bình thường và đâu là câu hỏi đặc biệt quan trọng để lựa chọn câu trả lời hợp lý. Đối với những câu hỏi trọng tâm nằm trong những câu hỏi phỏng vấn thường xuyên và ưu tiên được các nhà tuyển dụng hỏi thì bạn phải đặc biệt chú tâm. Và đó là những câu hỏi nào?

Kinh nghiệm làm việc

Thông thường có hai hướng tuyển dụng vị trí công việc: Yêu cầu kinh nghiệm và không yêu cầu kinh nghiệm. Nếu hồ sơ của bạn phỏng vấn ở vị trí có kinh nghiệm thì chắc hẳn sẽ có rất nhiều câu hỏi xung quanh công việc ở công ty cũ. Bạn nên trình bày chân thật những gì mình biết và đừng cố phô trương những vấn đề mà bản thân không nắm rõ. Bởi nhà tuyển dụng sẽ đào sâu về vấn đề chuyên môn dựa trên những gì mà bạn trình bày.

Đối với vị trí mà ứng viên chưa có kinh nghiệm thì nhà tuyển dụng thường ít đề cập nhiều đến vấn đề chuyên môn. Họ thường đặt ra những câu hỏi liên quan đến sự tìm hiểu về vị trí hiện tại hoặc những môn học có liên quan. Ngoài việc đưa ra câu trả lời thì bạn cần thể hiện thái độ và lời nói chắc chắn rằng mình muốn học hỏi, phát triển kỹ năng và gắn bó lâu dài với công ty.

Mục tiêu sự nghiệp

Trước khi tham gia phỏng vấn, bạn cần vạch ra kế hoạch định hướng nghề nghiệp sắp tới là gì. Và lưu ý rằng, mục tiêu nghề nghiệp của bạn cần liên quan đến bảng mô tả công việc. Đừng đưa ra quá nhiều mục tiêu vượt xa sự phát triển và định hướng của công ty. Đặc biệt, đừng đề cập đến mục tiêu làm việc vì tiền hoặc vì muốn trải nghiệm.

Thông thường các bạn sẽ đề cập đến mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, cụ thể như: “Mục tiêu ngắn hạn của em là tìm được công việc ổn định để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, khi nói đến dài hạn thì bạn có thể nêu: “Em muốn tìm cơ hội để phát triển và thăng tiến lên một vị trí cao hơn”. 

Bạn hiểu gì về sản phẩm/dịch vụ của công ty

Bạn đừng quên tìm hiểu về sản phẩm/dịch vụ hoặc vị trí công việc và những thông tin liên quan đến công ty. Bởi thông thường nhà tuyển dụng sẽ xác nhận rằng bạn có tìm hiểu vị trí ứng tuyển cũng như quan tâm đến các hoạt động bên họ. Và thường thì những kênh thông tin mà bạn có thể xem qua như: Website, fanpage, facebook… 

Nhà tuyển dụng có thể sẽ yêu cầu bạn nêu nhận xét và đưa ra những đánh giá cụ thể sau khi tìm hiểu các hoạt động bên họ. Bạn đừng ngần ngại nói lên những gì mà mình tìm hiểu và quan sát được. Càng hay hơn nếu chúng ta có thể đưa ra một giải pháp cụ thể nào đó với vai trò là người tham gia trong chiến lược để xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Điểm mạnh, điểm yếu của bản thân

Điểm mạnh, điểm yếu sẽ là câu hỏi hay nhất để tạo ra những câu trả lời phỏng vấn thông minh. Bạn đừng vội hoảng sợ mà hãy thật bình tĩnh và trả lời chân thật những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Hãy cố gắng thể hiện bạn là người biết nhìn nhận mặt yếu và biết cách khắc phục. Chúng ta có thể nói rằng: “Tôi là người viết văn rất tệ và không biết dùng lời lẽ hay để nói. Tôi hiểu rằng trong công việc ngày nay thường hay giao tiếp bằng văn bản nên tôi đã khắc phục rất nhiều, xem đi xem lại ngôn ngữ và cách mà mọi người viết ra sao để học theo”.

Hoặc bạn có thể dùng một cách nói khác đó chính là bỏ qua những điểm yếu không liên quan đến công việc mà tập trung vào những điểm mạnh cần thiết. Ví dụ: “Tôi có những điều chưa hoàn thiện nên rất tự ti về bản thân. Nhưng khi tôi phát hiện những thứ đó không ảnh hướng nhiều đến công việc nên đã cố gắng tập trung vào hoàn thiện chuyên môn cần thiết nhất”.

Mức lương mong muốn

Trước tiên, bạn cần khảo sát ở cùng vị trí việc làm trên thị trường hiện nay có mức lương là bao nhiêu. Đồng thời cần dựa trên năng lực và kinh nghiệm của bản thân để đề ra con số phù hợp. Đừng vội vàng đưa ra mức lương khi câu hỏi vừa chấm dứt mà hãy thể hiện rằng bạn đặt những giá trị đóng góp của bản thân lên trên hết.

Chúng ta có thể trả lời: “Với kinh nghiệm hiện tại mà mình có, tôi nghĩ rằng công ty sẽ trả tôi một mức lương phù hợp. Và đến một lúc nào đó khi tôi chứng minh được năng lực và dựa vào khối lượng công việc thì công ty sẽ trả tôi một mức lương tương xứng hơn”.

Bài viết là sự chia sẻ để bạn biết cách đưa ra những câu trả lời phỏng vấn thông minh nhất nhằm “ăn điểm” tuyệt đối trước nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý đến yếu tố bên ngoài bởi thái độ tự tin và phong cách chỉn chu, chuyên nghiệp cũng góp phần tạo nên một buổi phỏng vấn thành công.